Thu nhập gần 150 triệu đồng/tháng nhưng hơn 10 năm vẫn ở nhà thuê - Nhìn bảng chi tiêu, CĐM hiểu ngay lý do 'CHÁY TÚI'

Admin
Việc bạn tiết kiệm được bao nhiêu tiền quan trọng không kém so với việc bạn kiếm được bao nhiêu tiền.
Thu nhập gần 150 triệu đồng/tháng nhưng hơn 10 năm vẫn ở nhà thuê - Nhìn bảng chi tiêu, CĐM hiểu ngay lý do 'CHÁY TÚI'- Ảnh 1.

Câu chuyện của một thành viên ẩn danh (tạm gọi là anh H.) trong một group cộng đồng về tài chính đang thu hút sự chú ý của nhiều người.

Anh H. luôn băn khoăn không biết phải thu nhập như thế nào mới mua nổi nhà Hà Nội trong khi thu nhập hàng tháng của gia đình đạt gần 150 triệu đồng/tháng, tiết kiệm được 1/10 số tiền đã khiến nhiều người vô cùng ngạc nhiên.

Kiếm tiền giỏi nhưng chi tiêu kém

Vợ chồng anh H. tốt nghiệp đại học từ năm 2012. Anh H. kinh doanh tự do, thu nhập dao động từ 110-120 triệu đồng/tháng. Vợ anh làm kế toán, từ mức lương ban đầu 5 triệu đồng, sau 12 năm đã đạt 25 triệu đồng/tháng. Tổng thu nhập hai vợ chồng hiện khoảng 135-145 triệu đồng/tháng – một con số mơ ước với nhiều gia đình ở thành phố lớn.

Thế nhưng, sau mỗi tháng, khoản tiết kiệm thực tế chỉ khoảng 10-15 triệu đồng . Thậm chí, mỗi dịp lễ Tết, du lịch, số tiền ấy nhanh chóng "bốc hơi", khiến kế hoạch mua nhà Hà Nội mãi vẫn chỉ là ước mơ xa vời.

Thu nhập gần 150 triệu đồng/tháng nhưng hơn 10 năm vẫn ở nhà thuê - Nhìn bảng chi tiêu, CĐM hiểu ngay lý do 'CHÁY TÚI'- Ảnh 2.

(Bảng chi tiêu của gia đình anh H.)

Nhìn vào bảng chi tiêu của gia đình anh H., có thể thấy rất rõ:

- Thuê nhà: 15 triệu đồng (vừa ở vừa kinh doanh).

- Học phí 3 con: 38 triệu đồng.

- Ăn uống: 30-32 triệu đồng (bao gồm đại gia đình đông người và cả vật nuôi).

- Điện nước: 4-5 triệu đồng.

- Thuốc cho ông bà hai bên : 13 triệu đồng.

- Xăng xe: 1 triệu đồng.

- Quần áo, mỹ phẩm và các vận dụng gia đình : 5 triệu đồng.

- Ma chay, lễ lạt: 3-5 triệu đồng.

Ngoài ra còn những khoản phát sinh như ăn ngoài, tiêu vặt, sự kiện đột xuất...

Tổng chi cố định ước tính mỗi tháng đã xấp xỉ 115-120 triệu đồng, chưa tính các chi phí phát sinh khác. Với thu nhập 135-145 triệu đồng, khoản chênh lệch để tiết kiệm thực sự rất mỏng manh. Và điều rõ ràng nhất đó là: Gia đình anh H. đã tiêu phần lớn số tiền kiếm được.

Và trước lời xin tư vấn cần phải vén khéo như thế nào của anh H., nhiều thành viên trong nhóm cộng đồng này đã đưa ra ý kiến:

- Đọc xong mới thấy câu "Không biết bạn kiếm đc bao nhiêu tiền quan trọng là bạn giữ được bao nhiêu" luôn đúng! Thu nhập đều 100 triệu đồng/tháng vén khéo thì 1 năm mua được chung cư, 2 năm mua đc nhà đất rồi, thiếu vay thêm ít cũng không thành vấn đề.

- Anh mua nhà trước đi, đầu tháng thu tiền về trả nợ nhà luôn tự khắc vén được.

-Tôi chỉ thấy khó nhất là làm thế nào để kiếm được 110 triệu -120 triệu đồng/tháng thôi. Còn với tôi thì 50 triệu đồng đã đủ để tôi "vén" rồi chứ chưa dám mơ đến hơn trăm triệu.

Thu nhập gần 150 triệu đồng/tháng nhưng hơn 10 năm vẫn ở nhà thuê - Nhìn bảng chi tiêu, CĐM hiểu ngay lý do 'CHÁY TÚI'- Ảnh 3.

Kiếm tiền nhiều không bằng biết giữ tiền

Câu chuyện của chị H. phản ánh một thực tế: kiếm được nhiều tiền nhưng chi tiêu không kiểm soát, không vén khéo thì mãi vẫn tay trắng.

Thu nhập cao tưởng như đã là "chìa khóa vàng", nhưng nếu không biết phân bổ, tiết chế mong muốn, chi tiêu hợp lý thì cũng như "đổ nước vào cát".

Nhiều gia đình thu nhập thấp hơn rất nhiều, nhưng họ biết cách: Ưu tiên tiết kiệm trước, chi tiêu sau; Đặt ra ngân sách rõ ràng cho từng khoản; Hạn chế tối đa các chi phí không cần thiết; Luôn có quỹ dự phòng để tránh "cháy túi" khi có việc bất ngờ.

Nếu nhìn kỹ, gia đình anh H. hoàn toàn có thể điều chỉnh:

- Thuê nhà: Cân nhắc tìm phương án thuê rẻ hơn, hoặc nếu kinh doanh không thực sự hiệu quả thì tách biệt nhà ở và kinh doanh để giảm gánh nặng.

- Học phí: Xem xét lại mức học phí và chương trình học của các con. Chọn những trường phù hợp hơn với khả năng tài chính mà vẫn đảm bảo chất lượng.

- Chi phí ăn uống: Có thể lên thực đơn khoa học, tối ưu chi tiêu hơn.

- Quần áo, mỹ phẩm: Cắt giảm những khoản mua sắm chưa thực sự cần thiết.

- Tiêu vặt, du lịch: Lập ngân sách trước khi chi, tránh "vung tay quá trán" mỗi dịp lễ tết.

Quan trọng nhất là cần thay đổi tư duy từ "kiếm được bao nhiêu, tiêu hết bấy nhiêu" sang "tiết kiệm trước, chi tiêu sau". Chỉ khi xác định được mục tiêu tài chính rõ ràng và nghiêm túc thực hiện, gia đình mới có thể tích lũy tài sản và hiện thực hóa ước mơ mua nhà.

Thu nhập cao không đảm bảo cuộc sống sung túc lâu dài. Vén khéo trong chi tiêu, tiết kiệm kỷ luật và đầu tư thông minh mới là con đường bền vững.