UBND TP.HCM vừa có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ và Bộ Tài chính về việc xin dừng một số dự án đầu tư theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao), trong đó có dự án Trung tâm Thể dục Thể thao Phan Đình Phùng. Đây là một trong 6 dự án đang gặp vướng mắc theo Quyết định số 1568/QĐ-TTg.
Dự án Nhà thi đấu Phan Đình Phùng từng được kỳ vọng là công trình thể thao hiện đại bậc nhất TP.HCM, đủ tiêu chuẩn tổ chức các sự kiện thể thao quốc tế, đặc biệt nhằm phục vụ ASIAD 2012 - thời điểm Việt Nam dự kiến đăng cai.

Dự án Nhà thi đấu Phan Đình Phùng nằm ở trung tâm TP.HCM bị cây cỏ phủ kín.
Tháng 4/2010, Thủ tướng có văn bản chấp thuận cho TP.HCM triển khai dự án theo hình thức hợp đồng BT, đồng thời cho phép chỉ định nhà đầu tư và bán chỉ định khu đất 257 Trần Hưng Đạo (Quận 1) để tạo nguồn vốn thực hiện.
Tuy nhiên, sau nhiều lần thay đổi nhà đầu tư vì lý do năng lực tài chính không đáp ứng yêu cầu, đến tháng 1/2018, UBND TP.HCM mới chính thức phê duyệt liên danh Tổng Công ty CP Đền bù Giải tỏa và Công ty CP Phát triển Bất động sản Phát Đạt làm nhà đầu tư dự án. Trước đó, tháng 7/2016, báo cáo nghiên cứu khả thi đã được UBND TP thông qua.
Tháng 6/2018, Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM ký kết thỏa thuận đầu tư với liên danh nhà đầu tư, đánh dấu bước tiến trong triển khai dự án. Tuy nhiên, sau gần một thập kỷ kể từ khi được chấp thuận chủ trương, dự án vẫn không thể triển khai thực tế.
Ngày 27/12/2024, UBND TP.HCM ban hành Quyết định số 6060/QĐ-UBND, chính thức hủy bỏ báo cáo nghiên cứu khả thi năm 2016, đồng nghĩa với việc dừng dự án theo hình thức hợp đồng BT.
Theo UBND TP, thời gian kéo dài đã khiến nhiều điều kiện ban đầu không còn phù hợp với bối cảnh hiện nay. Mục tiêu cấp bách từng được đặt ra vào năm 2010 - để phục vụ ASIAD 2012 - đến thời điểm phê duyệt nhà đầu tư năm 2018 đã không còn ý nghĩa thực tiễn.
Bên cạnh đó, nhà đầu tư được chỉ định không còn là đơn vị ban đầu mà thành phố từng trình Thủ tướng, dẫn đến thay đổi về năng lực, cam kết và phương án triển khai. Tổng mức đầu tư dự án cũng tăng gấp đôi, từ 988 tỷ đồng lên hơn 2.215 tỷ đồng, gây áp lực lớn trong cân đối ngân sách và ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư.
Ngoài ra, hành lang pháp lý về đấu thầu và hình thức chỉ định nhà đầu tư đã có nhiều thay đổi so với thời điểm năm 2010. Việc tiếp tục thực hiện dự án theo cơ chế cũ không chỉ không còn phù hợp mà còn tiềm ẩn nhiều rủi ro về pháp lý và tài chính.
Từ những bất cập trên, UBND TP.HCM xác định rằng nếu tiếp tục triển khai theo phương thức BT, dự án sẽ đối mặt với nhiều rủi ro và thiếu hiệu quả. Do đó, Chủ tịch UBND TP đã chỉ đạo chuyển đổi phương thức đầu tư sang đầu tư công để phù hợp hơn với bối cảnh hiện tại.
Hiện nay, TP.HCM đang giao Sở Văn hóa và Thể thao chủ trì đàm phán với nhà đầu tư để thống nhất phương án chấm dứt hợp tác. Đồng thời, các cơ quan chức năng sẽ tiến hành rà soát, xác định các chi phí hợp lý mà nhà đầu tư đã bỏ ra trong giai đoạn chuẩn bị dự án để có phương án hoàn trả phù hợp.