Vì 3 sai lầm này nên năm qua tôi không tiết kiệm được tiền, mong bạn đừng như tôi

Admin
“Do hoàn cảnh đẩy đưa nên mới không tiết kiệm được tiền”, thực ra, chỉ là 1 suy nghĩ ngụy biện.

Có rất nhiều lý do hợp lý để giải thích cho việc một người chưa tiết kiệm được tiền. Có thể do họ đang phải trả nợ cho người thân, hoặc trả nợ mua nhà, mua xe cho chính mình. Đôi khi, khởi nghiệp thất bại hay kinh doanh thua lỗ cũng là lý do rất đáng cảm thông cho việc chưa thể tích lũy.

Nhưng nếu bạn không rơi vào những hoàn cảnh như trên, mà vẫn chẳng tiết kiệm được đồng nào sau 1 năm làm việc, có lẽ đã đến lúc nhìn thẳng vào sự thật. Sau nhiều năm kiếm bao nhiêu tiêu từng ấy, tôi nhận ra vì 3 sai lầm này nên mình mới không tiết kiệm được tiền. Mong bạn không như tôi.

1 - Không đa dạng thu nhập

Đến tận khi thất nghiệp, tôi mới nhận ra tầm quan trọng của việc đa dạng thu nhập. Trước đó, tôi vẫn luôn cảm thấy hài lòng với việc có 1 công việc giờ hành chính, 9h sáng đi làm, 5h chiều rời văn phòng và dành buổi tối để vui chơi, chăm sóc bản thân.

Vì 3 sai lầm này nên năm qua tôi không tiết kiệm được tiền, mong bạn đừng như tôi- Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Nhưng đến khi thất nghiệp trong tình thế bị động suốt gần nửa năm trời, bản thân hoàn toàn không có nguồn thu, tôi mới hối hận vì quá khứ đã không cố gắng làm nhiều việc để kiếm tiền. Trong suốt khoảng thời gian thất nghiệp ấy, tôi đã tiêu hết cả tiền dự phòng và tiền tiết kiệm. Vậy là thành ra đến cuối năm không dư được đồng nào.

Cũng nhờ khoảng thời gian không mấy dễ dàng đó, tôi mới hiểu khi còn trẻ, chúng ta không nên sống quá hưởng thụ. Mọi sự trên đời, bao gồm cả việc tăng thu nhập, đa dạng nguồn thu, đều là sự đánh đổi. Chúng ta nên chấp nhận giảm bớt thời gian vui chơi nếu muốn kiếm nhiều tiền, vì chẳng có công việc nào dễ dàng, thảnh thơi mà thu nhập lại ổn.

2 - Không biết trân trọng công việc mình đang có

Sau gần nửa năm thất nghiệp, phải vật lộn với cảnh không có tiền để trang trải cuộc sống, cuối cùng tôi cũng xin được việc. Nhưng chuyện đó cũng chẳng kéo dài được lâu.

Giờ nghĩ lại, tôi mới thấy bản thân đã không có một thái độ đúng khi đi làm. Dù rất sợ thất nghiệp, sợ bản thân không kiếm ra tiền, nhưng đồng thời, tôi cũng luôn trong trạng thái than thở, chán chẳng muốn làm gì. Một phần vì công việc quá bận rộn và áp lực, một phần vì mức lương không được tôi kỳ vọng. Tôi thậm chí còn đổ lỗi cho chế độ đãi ngộ của công ty, mà không hề nhận ra rằng mình "được voi đòi tiên". Vậy là tôi nhảy việc, chỗ nào cũng chỉ làm được vài ba tháng, có nơi còn chưa qua thời gian thử việc, tôi đã từ bỏ.

Vì 3 sai lầm này nên năm qua tôi không tiết kiệm được tiền, mong bạn đừng như tôi- Ảnh 2.

Ảnh minh họa

Cứ như vậy, CV của tôi bị trống gần 1 năm trời. Trong một lần phỏng vấn xin việc, nhà tuyển dụng đã hỏi tôi về khoảng trống ấy, và tôi chẳng thể tìm ra 1 câu trả lời nghe có vẻ thuyết phục, hợp lý, tôi mới nhận ra mình đã sai thế nào.

Trong bối cảnh khó khăn như hiện tại, khi ai cũng lo sẽ "va" phải làn sóng sa thải, người có việc như tôi lại chẳng biết trân trọng. Điều này quả thực là rất đáng trách.

3 - Không có tư duy tiết kiệm trong dài hạn

Nghe có vẻ rất mâu thuẫn, nhưng thực tế, tôi không phải là người không biết tiết kiệm. Nếu có thu nhập đều đặn và ổn định, mỗi tháng, tôi đều trích ra một khoản để tiết kiệm. Thế nhưng đến cuối năm, tôi vẫn không dư nổi 1 đồng.

Vì 3 sai lầm này nên năm qua tôi không tiết kiệm được tiền, mong bạn đừng như tôi- Ảnh 3.

Ảnh minh họa

Trước đây, tôi luôn nghĩ "do hoàn cảnh đẩy đưa nên mình mới thế". Nhưng bây giờ, tôi nhận ra đó chỉ là sự ngụy biện.

Sở dĩ, tôi không thể duy trì được tài khoản tiết kiệm vì tôi đã sai ngay từ ban đầu. Mục đích tiết kiệm tiền của tôi chỉ đơn giản là "để có việc gì thì còn có tiền mà trang trải". Nói cách khác, tôi tiết kiệm tiền là để tiêu, chứ không hề nghĩ dài và nghĩ xa đến mức quyết tâm không động vào khoản tiền để dành ấy.

Đương nhiên, lúc có việc mà có tiền để trang trải thì vẫn tốt hơn là đi vay mượn. Nhưng tôi nhận ra nếu muốn bản thân dư dả, phải tuyệt đối quyết tâm không tiêu vào khoản tiền tiết kiệm. Đó chính là lý do chúng ta nên rạch ròi khoản tiền dự phòng với tiền tiết kiệm.