Việt Nam vừa đạt 2 kỷ lục lớn trong ngành xuất khẩu tỷ đô: Đứng top 3 thế giới

Admin
Năm 2024 khép lại với thành công không thể rực rỡ hơn của ngành này.

2 kỷ lục vô tiền khoáng hậu của ngành xuất khẩu gạo

Năm 2024 khép lại với những kỷ lục không thể phủ nhận của ngành xuất khẩu gạo Việt Nam. Những kỷ lục này tiếp tục chứng minh hạt gạo là hạt ngọc quý giá, giúp định vị Việt Nam trên bản đồ lương thực thế giới.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, trong năm 2024, lĩnh vực xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt 2 kỷ lục đáng mừng cả về sản lượng và giá trị. Tổng cộng, nước ta xuất khẩu ra thế giới khoảng 9 triệu tấn gạo, thu về 5,7 tỷ USD - đây là mức cao nhất từ trước đến nay.

Với con số 9 triệu tấn gạo, Việt Nam đứng Top 3 thế giới về xuất khẩu gạo. Top 1 và 2 lần lượt thuộc về Ấn Độ (17 triệu tấn) và Thái Lan (10 triệu tấn).

Việt Nam vừa đạt 2 kỷ lục lớn trong ngành xuất khẩu tỷ đô: Đứng top 3 thế giới- Ảnh 1.

Ảnh minh họa.

Bước sang năm 2025, các chuyên gia thuộc Sở Giao dịch Hàng hoá Việt Nam (MXV) dự báo rằng lĩnh vực xuất khẩu gạo của nhiều quốc gia - trong đó có Việt Nam - sẽ gặp nhiều thách thức hơn so với năm 2024. Lý do là vì, nguồn cung gạo trên toàn cầu sẽ trở nên dồi dào hơn.

Khi nguồn cung gạo dồi dào hơn, giá cả cũng sẽ cạnh tranh hơn. Điều này một mặt mang lại lợi ích cho người tiêu dùng thế giới cũng như góp phần vào an ninh lương thực toàn cầu; mặt khác cho thấy tính cạnh tranh đang gia tăng trên thị trường gạo toàn cầu.

Vậy, Việt Nam chúng ta làm thế nào để biến thách thức này thành cơ hội? 

Làm xanh vựa lúa Việt Nam - Át chủ bài cho ngành lúa gạo

Theo các chuyên gia, ngành gạo Việt Nam trong thời gian tới cần phải tạo sự khác biệt so với các cường quốc lúa gạo khác; chú trọng vào việc đảm bảo lúa gạo đáp ứng được những tiêu chuẩn ngày càng khắt khe của các thị trường nhập khẩu, từ đó mới tạo được lợi thế cạnh tranh cho gạo Việt trên trường quốc tế.

Nghĩa là chúng ta sẽ không chỉ tăng cường các giống lúa chất lượng cao (như gạo thơm; gạo ngon tươi mới; loại gạo mà nhiều thị trường cần), làm phong phú các giống lúa này để đáp ứng được nhu cầu của từng khu vực trên thế giới; mà còn tạo ra được những giống lúa chịu được hạn, mặn và biến đổi khí hậu; đặc biệt là cách trồng lúa giảm phát thải.

Nói về lĩnh vực canh tác lúa gạo giảm phát thải, Tiến sĩ Nông nghiệp Phùng Đức Tiến - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết: Nếu chúng ta làm thành công Đề án 1 triệu hecta lúa chuyên canh chất lượng cao, giảm phát thải thì vị thế gạo Việt Nam trên thị trường quốc tế còn cao hơn nhiều.

Việt Nam vừa đạt 2 kỷ lục lớn trong ngành xuất khẩu tỷ đô: Đứng top 3 thế giới- Ảnh 2.

Vùng ĐBSCL là vựa lúa gạo của nước ta khi đóng góp 95% sản lượng gạo xuất khẩu của cả nước. Ảnh: Thoibaotaichinhvietnam

Hiểu rõ điều này, Việt Nam chọn Đồng bằng sông Cửu Long (vựa lúa gạo của nước ta) để triển khai Đề án "phát triển bền vững 1 triệu hecta lúa chuyên canh chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030".

Đề án này (hiện đang triển khai và thu được kết quả rất khả quan tại một số tỉnh ĐBSCL) của Việt Nam nhận được rất nhiều lời khen từ các tổ chức nước ngoài. Ngân hàng Thế giới (World Bank) đánh giá cao Đề án 1 triệu hecta lúa chất lượng cao ở vùng ĐBSCL, đồng thời cam kết khoản vay 350 triệu USD cho Việt Nam, VOV thông tin.

Đứng trước bài toán toàn cầu mang tên biến đổi khí hậu, nóng lên toàn cầu, Việt Nam không thể đứng ngoài xu hướng giảm phát thải, sản xuất xanh, thân thiện môi trường được. Tại Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về Biến đổi khí hậu (COP26), Việt Nam đã ký cam kết phấn đấu đưa Việt Nam đạt phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) vào năm 2050. 

Cùng với cam kết của Việt Nam về Net Zero; việc gạo Việt Nam vừa đảm bảo giảm phát thải, vừa chất lượng cao, ngon, thơm thì lúc đó vị thế cao của ngành lúa gạo chúng ta chắc chắn sẽ được khẳng định.

Đề án "phát triển bền vững 1 triệu hecta lúa chuyên canh chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030" gắn với việc tổ chức lại hệ thống sản xuất theo chuỗi giá trị, áp dụng các quy trình canh tác bền vững nhằm gia tăng giá trị, phát triển bền vững của ngành lúa gạo. Song song, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, thu nhập và đời sống của người trồng lúa, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính, góp phần thực hiện các cam kết của Việt Nam với quốc tế, Báo Điện tử Chính phủ thông tin.