Tại cao nguyên Hoàng Thổ thuộc tỉnh Thiểm Tây (Trung Quốc), nơi khai thác than từ lâu gắn liền với hình ảnh lao động nặng nhọc và điều kiện làm việc khắc nghiệt, mỏ Dahaize đang tạo nên bước ngoặt lớn trong ngành công nghiệp nặng nhờ vào trí tuệ nhân tạo và tự động hóa toàn diện.
Được vận hành bởi tập đoàn nhà nước China National Coal Group, mỏ này ghi nhận biên lợi nhuận ròng lên tới 40% trong năm 2024, ngay cả khi giá than tại Trung Quốc giảm 18%. Để so sánh, Morgan Stanley – một trong những ông lớn Phố Wall – chỉ đạt hơn 20% lợi nhuận trong cùng kỳ.
Theo lời ông Lương Vân Phong, giám đốc mỏ Dahaize và cũng là người dẫn dắt toàn bộ quá trình chuyển đổi, thành công này đến từ việc đầu tư toàn lực vào công nghệ thông minh, bất chấp những nghi ngờ ban đầu cho rằng ý tưởng này bất khả thi. Trong một cuộc phỏng vấn với tạp chí Journal of Intelligent Mine, ông Lương cho biết AI và hệ thống kết nối 5G đã được triển khai tới gần như mọi công đoạn, từ khai thác cho đến bốc xếp.

Theo đánh giá từ Hiệp hội Than Trung Quốc, Dahaize hiện là mỏ than thông minh nhất từng được xây dựng. Với diện tích lên tới 266 km², trữ lượng 3,2 tỷ tấn và sản lượng hàng năm 20 triệu tấn, quy mô của mỏ vượt trội so với phần lớn các mỏ hầm lò khác. Đáng chú ý, toàn bộ hoạt động được vận hành chỉ bởi 980 nhân viên – một con số cực kỳ khiêm tốn so với truyền thống ngành than.
Ở độ sâu 640 mét dưới lòng đất, hệ thống robot cắt than điều hướng bằng AI, sử dụng công nghệ định vị quán tính và lidar để xử lý chính xác từng đường cắt theo thời gian thực, thậm chí có thể tránh các vùng nước ngầm nguy hiểm. “Chúng tôi chỉ cần một tổ bốn người cho toàn bộ khâu này” – ông Lương chia sẻ.
Máy bay không người lái kiểm tra các đường hầm chỉ trong vòng tám phút, trong khi cánh tay robot xử lý mọi thao tác sửa chữa. Xe tải tự hành vận chuyển than trong môi trường bụi mù, đến các nhà máy rửa than được điều khiển bởi AI. Tại đó, một công nhân duy nhất có thể xử lý hơn 1.100 tấn than mỗi ngày.
Bất chấp giá than lao dốc, doanh thu của mỏ vẫn đạt 9,1 tỷ nhân dân tệ (tương đương khoảng 1,25 tỷ USD) và mang về lợi nhuận ròng 3,8 tỷ tệ. Tỷ suất lợi nhuận này sánh ngang với nhiều thương hiệu xa xỉ toàn cầu.
Ông Lương cho biết mô hình nhân sự tinh gọn, kết hợp với các khoản đầu tư mạnh tay vào nghiên cứu và phát triển từ phía chính phủ, đã biến Dahaize thành một cỗ máy lợi nhuận thực sự. Theo ông, thành công của mô hình này không chỉ nằm ở việc tiết kiệm chi phí hay tăng năng suất mà còn là quá trình tái định nghĩa lại cách vận hành toàn bộ hệ thống sản xuất.
Trong bối cảnh các nền kinh tế phương Tây đang chật vật với lạm phát tiền lương và bảo vệ việc làm truyền thống, mô hình tại Dahaize cho thấy trí tuệ nhân tạo có thể đảm bảo cả năng suất và lợi nhuận. Tại Mỹ, việc chính phủ nỗ lực duy trì các việc làm có thu nhập cao đã khiến quá trình tự động hóa gặp nhiều rào cản. Nhưng tại Trung Quốc, sự kết hợp giữa trợ cấp nhà nước, hạ tầng 5G và AI đang dần hình thành một mô hình sản xuất kiểu mới, không chỉ trong ngành than mà còn lan sang cả thép, hóa chất và nhiều lĩnh vực công nghiệp nặng khác.
Dù vậy, ông Lương thừa nhận quá trình chuyển đổi không hề dễ dàng. Ngay cả tại Dahaize, nơi được thiết kế từ đầu để tối ưu cho tự động hóa, ban quản lý vẫn phải đối mặt với sự phản kháng từ một bộ phận nhân sự. “Nhiều người nghĩ rằng công nghệ thông minh nghĩa là robot sẽ thay hết con người. Họ cảm thấy bị đe dọa và phản ứng tiêu cực”, ông cho biết.
Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh rằng thái độ đang dần thay đổi. Theo ông, tự động hóa không đơn thuần là giảm lao động nặng nhọc hay tăng tốc độ sản xuất mà là một quá trình “tái lập trình” toàn bộ hệ thống. Từ cách con người cộng tác, tổ chức vận hành cho đến từng mắt xích trong chuỗi giá trị, mọi thứ đều được nâng cấp.