Biết rõ là lừa đảo nhưng vẫn đồng ý cho nữ doanh nhân U40 chuyển đi 6,2 tỷ đồng, ngân hàng Singapore vẫn được cảnh sát ghi nhận công lao

Admin
Một ngân hàng đồng ý cho khách hàng chuyển tiền cho lừa đảo.

Theo Straitstimes, tháng 4 vừa qua, một nữ doanh nhân tại Singapore, ngoài 30 tuổi có hơn 130.000 USD trong 2 tài khoản tiết kiệm tại OCBC đã yêu cầu chuyển 20.000 USD đến một ngân hàng quốc tế. Nghi ngờ cô đã rơi vào bẫy lừa đảo, 5 nhân viên của Ngân hàng OCBC và Trung tâm Phòng chống Lừa đảo thuộc cảnh sát đã cố gắng thuyết phục cô dừng giao dịch.

Trong suốt ba ngày, họ thực hiện ít nhất 5 cuộc gọi, mỗi cuộc kéo dài hơn 30 phút, để cảnh báo rằng cô đang bị lừa. Tuy nhiên, người phụ nữ kiên quyết không tin và khẳng định đây là khoản vay cho một người bạn. Cô thậm chí ký vào biên bản miễn trừ trách nhiệm với OCBC, xác nhận rằng cô hiểu rõ rủi ro. Khi mọi nỗ lực thất bại, OCBC buộc phải cho phép giao dịch này được thực hiện.

Không lâu sau đó, cô nhận ra sai lầm của mình. Hai tháng sau, cô nộp đơn trình báo cảnh sát, cuối cùng thừa nhận mình đã bị lừa. Lúc này, số tiền trong hai tài khoản của cô chỉ còn chưa tới 600 USD, trong đó một tài khoản chỉ còn vỏn vẹn 17 USD.

Trong báo cáo, cô cho biết không chỉ chuyển hết 130.000 USD từ các tài khoản tại OCBC, mà còn mất tổng cộng khoảng 330.000 USD Sing (khoảng 6,2 tỷ đồng) sau khi vay mượn nhiều nơi và rút cạn tiền tại các ngân hàng khác. Thực tế, ngân hàng đã cảnh báo nhưng người phụ nữ nhất quyết chuyển tiền, thậm chí còn ký biên bản miễn trừ trách nhiệm với ngân hàng nên ngân hàng buộc phải đồng ý chuyển tiền. Theo đó, cảnh sát vẫn ghi nhận tinh thần chống lừa đảo của ngân hàng.

Câu chuyện được đưa ra trong bối cảnh dự luật Protection from Scams (Bảo vệ khỏi Lừa đảo) được trình lên Quốc hội Singapore ngày 11/11. Dự luật này đề xuất trao quyền cho cảnh sát để kiểm soát các tài khoản ngân hàng của nạn nhân như người phụ nữ trên.

Nếu được thông qua, cảnh sát sẽ có quyền ban hành lệnh hạn chế (RO) đối với các ngân hàng, từ đó giới hạn các giao dịch tài khoản của cá nhân. Singapore được cho là quốc gia đầu tiên trên thế giới đề xuất luật này.

Hiện tại, cảnh sát không thể ngăn một nạn nhân làm gì với tiền của họ, ngay cả khi họ bị nghi ngờ đang bị lừa. Bộ Nội vụ Singapore cho biết, dựa trên các trường hợp trước đây mà cảnh sát không thể can thiệp, trung bình mỗi tháng có thể sẽ cần phát hành 10 hoặc nhiều lệnh hạn chế.

Ông Peck, người xử lý vụ việc của người phụ nữ, chia sẻ: “Thật đau lòng khi biết cô ấy đã mất quá nhiều tiền. Chúng tôi đã làm rất nhiều, nhưng vẫn không thể cứu cô ấy khỏi chính mình. Điều đáng buồn hơn là cô ấy bị kẻ lừa đảo thao túng đến mức không chịu lắng nghe chúng tôi hay cảnh sát.”

Điều tra viên Peck thuộc bộ phận chống lừa đảo của OCBC cho biết, trong các cuộc gọi kéo dài, cô ấy luôn tỏ ra sốt ruột muốn chuyển tiền. Ông nói thêm: “Thành thật mà nói, tiền là của cô ấy, và cô ấy hoàn toàn có quyền sử dụng nó theo ý mình. Chúng tôi có đủ công cụ và kiến thức về lừa đảo, nhưng vẫn cảm thấy bất lực.”

Tại Singapore, hơn 2,7 tỷ USD đã bị mất vào tay những kẻ lừa đảo kể từ năm 2019, với dự đoán con số này sẽ còn tăng vào năm 2025. Riêng nửa đầu năm 2024, số vụ lừa đảo đạt mức kỷ lục với hơn 385,6 triệu USD bị mất trong 26.587 trường hợp được báo cáo.