Bộ trưởng Giao thông phát lệnh xây dựng cầu Phong Châu mới

Admin
Tại lễ triển khai thi công xây dựng cầu Phong Châu mới - quốc lộ 32C, huyện Tam Nông và Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ chiều nay (21/12), Bộ trưởng Bộ giao thông vận tải Trần Hồng Minh yêu cầu dự án phải hoàn thành trong 1 năm, đúng ngày 22/12/2025. Cầu có chiều dài hơn 650 m, tổng mức đầu tư hơn 630 tỷ đồng.

Hồi tháng 9, cầu Phong Châu cũ bị nước lũ cuốn trôi trụ T7 và 2 nhịp dàn chính, gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Vụ việc khiến việc lưu thông qua hai bên bờ sông Hồng nối huyện Tam Nông với Lâm Thao (tỉnh Phú Thọ) và các địa phương trong vùng gặp nhiều khó khăn. Để đảm bảo nhu cầu đi lại cho người dân, theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải ban hành lệnh xây dựng công trình khẩn cấp dự án đầu tư xây dựng cầu Phong Châu mới.

Theo phương án được phê duyệt, cầu Phong Châu mới có mức đầu tư hơn 630 tỷ đồng, sử dụng từ nguồn dự phòng ngân sách Trung ương năm 2024.

Cầu có tổng chiều dài hơn 650 m, đảm bảo 4 làn xe cơ giới. Cầu được xây dựng vĩnh cửu bằng bê tông cốt thép và bê tông cốt thép dự ứng lực với bề rộng cầu 20,5m phù hợp với bề rộng nền đường. Phần cầu chính gồm 3 nhịp dầm liên tục; đảm bảo quy mô đường cấp III đồng bằng, vận tốc thiết kế 80 km/h.

Bộ trưởng Giao thông phát lệnh xây dựng cầu Phong Châu mới- Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Trần Hồng Minh. Ảnh: Lộc Liên.

Theo Bộ trưởng Trần Hồng Minh, sự cố sập cầu Phong Châu đã gây thiệt hại rất lớn về người và tài sản, làm gián đoạn giao thông trên tuyến quốc lộ 32C, ảnh hưởng rất lớn đến phát triển kinh tế xã hội và đời sống người dân Phú Thọ nói riêng, và các địa phương trong khu vực nói chung. Do đó, việc sớm khắc phục hậu quả và đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng cầu Phong Châu là nhiệm vụ cấp bách, mang ý nghĩa hết sức quan trọng.

Lãnh đạo Bộ giao thông vận tải yêu cầu Ban Quản lý dự án (QLDA) Thăng Long với vai trò chủ đầu tư chỉ đạo tư vấn và nhà thầu thi công phát huy tinh thần trách nhiệm cao nhất, xây dựng kế hoạch, phương án thi công một cách khoa học, chi tiết, phù hợp, đảm bảo hiệu quả, chất lượng thi công và đảm bảo tuyệt đối an toàn đường thủy nội địa.

Nhà thầu thi công phải nêu cao tinh thần trách nhiệm cao nhất, xây dựng kế hoạch, phương án thi công một cách khoa học, chi tiết; huy động đầy đủ nhân lực, nguồn lực tài chính, thiết bị máy móc hiện đại để tập trung triển khai tổ chức thi công “3 ca”, “4 kíp”, phấn đấu để rút ngắn tiến độ hoàn thành dự án đảm bảo chất lượng công trình để sớm kết nối mạng lưới giao thông trong khu vực.

Bộ trưởng Giao thông phát lệnh xây dựng cầu Phong Châu mới- Ảnh 2.

Bộ trưởng Trần Hồng Minh yêu cầu các đơn vị thi công cầu Phong Châu mới phải phải hoàn thành đúng ngày 22/12/2025. Ảnh: Lộc Liên.

Lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải đề nghị UBND tỉnh Phú Thọ và các đơn vị liên quan phối hợp chặt chẽ với Ban QLDA Thăng Long, tạo điều kiện thuận lợi, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc (nếu có), bảo đảm công tác an ninh, trật tự để chủ đầu tư và các nhà thầu thi công dự án đảm bảo tiến độ, hiệu quả.

“Theo kế hoạch, cầu sẽ hoàn thành ngày 31/12/2025, tuy nhiên Thủ tướng đề nghị cầu Phong Châu mới phải hoàn thành đúng ngày 22/12/2025. Do đó, tôi yêu cầu các đơn vị thực hiện đúng ngày 22/12/2025 phải hoàn thành dự án, để đưa vào khánh thành”, Bộ trưởng Trần Hồng Minh nhấn mạnh.

Bên cạnh công tác thi công cầu mới, Bộ trưởng Trần Hồng Minh đề nghị các đơn vị thi công cần gấp rút tháo dỡ cầu Phong Châu cũ. Theo ông Minh, hiện công tác tháo gỡ cầu cũ rất khó khăn do đây là dạng cầu theo công nghệ cũ với kết cấu dàn thép, nhất là trên địa hình sông nước. Do đó, công tác triển khai cần đảm bảo an toàn để bàn giao cho tỉnh Phú Thọ. Sau đó, tỉnh có phương án tái sử dụng phù hợp.

Bộ trưởng Giao thông phát lệnh xây dựng cầu Phong Châu mới- Ảnh 3.

Người dân và phương tiện di chuyển qua cầu phao, cách cầu Phong Châu cũ khoảng 300 m về phía hạ lưu. Ảnh: Lộc Liên.

 Tư lệnh ngành giao thông vận tải yêu cầu chủ đầu tư, ban quản lý dự án, đơn vị thiết kế, thi công hết sức chú ý trong vấn đề thi công cầu, nhất là vấn đề địa chất dưới lòng sông. Bởi lẽ do địa hình miền núi, trung du có nhiều biến động có thể phát sinh trong quá trình thi công như dòng sông chảy ngầm, hiện tượng cát chảy đều có thể dẫn đến sự cố đau thương, nên cần hết sức cẩn trọng, và chuẩn bị các giải pháp để ứng phó kịp thời, an toàn.