Dự án Bạch Mai, Việt Đức cơ sở 2: Nhà thầu mang 145 tỷ gửi tiết kiệm

Admin
Ban Quản lý dự án y tế trọng điểm tạm ứng lần 1 cho Công ty Cổ phần Hồng Hà (gói thầu XDVD-01) hơn 185 tỷ đồng, sau đó công ty này mang 145 tỷ gửi tiết kiệm.

Thanh tra Chính phủ công bố Kết luận thanh tra số 528 về dự án đầu tư xây dựng mới cơ sở 2 của Bệnh viện Bạch Mai và dự án đầu tư xây dựng mới cơ sở 2 của Bệnh viện Việt Đức tại tỉnh Hà Nam.

Theo tính toán sơ bộ của cơ quan thanh tra, hai dự án bệnh viện bỏ không dẫn đến lãng phí, thiệt hại ngân sách trên 1.254 tỷ đồng.

Dự án Bạch Mai, Việt Đức cơ sở 2: Nhà thầu mang 145 tỷ gửi tiết kiệm- Ảnh 1.

Cơ sở 2 của Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức tại Phủ Lý, Hà Nam. (Ảnh: TTXVN)

Nhà thầu mang tiền tạm ứng gửi tiết kiệm

Đáng chú ý, khi kiểm tra xác suất hồ sơ tạm ứng, thanh toán, Thanh tra Chính phủ nhận thấy, từ năm 2016 đến hết năm 2024, Ban Quản lý dự án y tế trọng điểm không có báo cáo tình hình thực hiện tạm ứng vốn, thu hồi tạm ứng vốn.

" Ban Quản lý dự án y tế trọng điểm tạm ứng lần 1 cho Công ty Cổ phần Hồng Hà (gói thầu XDVD-01) số tiền hơn 185 tỷ đồng (ngày 29/5/2015). Nhưng Công ty Cổ phần Hồng Hà sử dụng sai mục đích số tiền tạm ứng 145 tỷ đồng (gửi tiết kiệm tại Ngân hàng TMCP Quân đội (MBBank) - Chi nhánh Thanh Xuân - Hà Nội) ", kết luận nêu rõ.

Theo Thanh tra Chính phủ, ngày 24/11/2015, Ban Quản lý dự án y tế trọng điểm có văn bản về việc phong tỏa hợp đồng tiền gửi 145 tỷ đồng của Công ty Cổ phần Hồng Hà và tất toán, chuyển toàn bộ gốc và lãi lũy kế của số tiền gửi tiết kiệm nói trên về tài khoản tạm ứng, dừng toàn bộ tạm ứng các khoản tiếp theo cho đến khi có văn bản chấp thuận của chủ đầu tư.

Ngày 9/12/2015, Ban Quản lý dự án y tế trọng điểm có văn bản gửi MBBank (Chi nhánh Thanh Xuân - Hà Nội) đề nghị giải tỏa việc phong tỏa tài khoản nhận tiền gửi.

Tuy nhiên, cơ quan thanh tra xác định, Ban Quản lý dự án y tế trọng điểm chưa có báo cáo về việc xử lý đối với nội dung này.

Thanh tra Chính phủ cũng ghi nhận một số hóa đơn giá trị gia tăng của các nhà thầu lập không đúng thời điểm tiến hành nghiệm thu khối lượng hoàn thành, vi phạm quy định tại Thông tư số 39/2014, Thông tư số 219/2013 của Bộ Tài chính.

Thi công 2 dự án bệnh viện chậm hàng nghìn ngày

Dự án đầu tư xây dựng mới cơ sở 2 của Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Việt Đức tại tỉnh Hà Nam được khởi công từ đầu năm 2015, đến hết năm 2020 cơ bản hoàn thành phần xây dựng. Nhà thầu dừng thực hiện từ tháng 1/2021 cho đến nay. Tại kết luận thanh tra, Thanh tra Chính phủ xác định rõ thời gian chậm tiến độ của từng nhà thầu thi công.

Với dự án cơ sở 2 Bệnh viện Bạch Mai:

Tổng Công ty 36 thi công Khối kỹ thuật nghiệp vụ: Phần cọc thi công chậm khoảng 89 ngày; kết cấu phần thân (tính đến thời gian thi công xong hết thang bộ) chậm khoảng 359 ngày; phần kiến trúc thi công từ 17/1/2017 đến thời điểm thanh tra (31/12/2024) chậm khoảng 2.903 ngày; phần điện, cấp thoát nước thi công từ ngày 29/12/2016 đến thời điểm thanh tra chưa xong (31/12/2024) chậm khoảng 2.923 ngày.

Tổng Công ty Thành An thi công Khối khám và điều trị ban ngày: Phần cọc thi công chậm khoảng 44 ngày; kết cấu phần thân chậm khoảng 202 ngày; phần kiến trúc thi công chậm khoảng 2.939 ngày; phần điện, cấp thoát nước thi công từ ngày 18/2/2016 đến thời điểm thanh tra chưa xong (31/12/2024) chậm khoảng 3.233 ngày.

Tổng Công ty 319 thi công Khối nội trú: Phần cọc thi công chậm khoảng 67 ngày; kết cấu phần thân thi công (từ ngày 6/4/2016 đến ngày 29/4/2017) chậm khoảng 283 ngày; phần kiến trúc thi công chậm khoảng 1.210 ngày; phần điện, cấp thoát nước thi công chậm khoảng 504 ngày.

Với dự án cơ sở 2 Bệnh viện Việt Đức (Liên danh nhà thầu Tổng Công ty Xây dựng Hà Nội - CTCP và Công ty cổ phần Hồng Hà Việt Nam):

Phần cọc tiến độ được phê duyệt 142 ngày (từ 31/3/2015 đến 19/8/2015), thực tế thi công 166 ngày, chậm khoảng 25 ngày.

Kết cấu móng, tầng hầm: Tiến độ dự thầu 76 ngày, thực tế thi công 570 ngày (từ 20/8/2015 đến 12/3/2017), chậm khoảng 494 ngày.

Kết cấu phần thân: Tiến độ dự thầu 70 ngày, thực tế thi công 571 ngày (từ 7/9/2015 đến 31/3/2017), chậm khoảng 501 ngày.

Hoàn thiện phần kiến trúc: Tiến độ dự thầu 154 ngày, thực tế thi công 1.106 ngày (từ 20/6/2017 đến 30/6/2020), chậm khoảng 952 ngày.

Hạng mục điện, cấp thoát nước trong nhà: tiến độ dự thầu 155 ngày, thực tế thi công 723 ngày (từ 24/4/2018 đến 16/4/2020), chậm khoảng 568 ngày.

Các hạng mục lắp đặt thiết bị công trình còn lại của khối nhà chính, tiến độ thực tế đều chậm hơn nhiều so với tiến độ theo hồ sơ dự thầu được phê duyệt.