Nhiều hoạt động nổi bật
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch Hội Luật gia Đà Nẵng Nguyễn Bá Sơn cho biết, thời gian qua, Hội Luật gia thành phố Đà Nẵng đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực, đặc biệt là tổ chức thành công Hội nghị điển hình tiên tiến giai đoạn 2025 – 2030 và sự kiện truyền thông nhân kỷ niệm 70 năm thành lập Hội Luật gia Việt Nam (1955 – 2025). Sự kiện diễn ra ngày 11/3 đã thu hút sự tham dự của lãnh đạo các cơ quan Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và đông đảo hội viên.

Chủ tịch Hội Luật gia Đà Nẵng Nguyễn Bá Sơn.
Hội Luật gia thành phố cũng đã tổ chức thành công Hội trại tại An Phú Farm (Hòa Phú, Hòa Vang) vào cuối tháng 3, để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng đại biểu. Lễ kỷ niệm tại hội trại vinh dự đón tiếp lãnh đạo Thành ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ Việt Nam thành phố Đà Nẵng cùng đại diện các sở, ban, ngành.
Hưởng ứng các hoạt động kỷ niệm lớn, Chi hội phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn tổ chức buổi gặp mặt trang trọng; trong khi đó, Quận hội Ngũ Hành Sơn tổ chức chuyến về nguồn tại địa chỉ đỏ thôn Dốc Gợp, xã Kà Dăng, huyện Đông Giang (Quảng Nam).
Trong quý I, các cấp Hội đã tham gia đóng góp ý kiến tại nhiều hội nghị, hội thảo, tọa đàm, và phản biện cho 12 dự thảo Luật, văn bản quy phạm pháp luật. Đồng thời, triển khai hiệu quả Đề án "Phát huy vai trò của Hội Luật gia các cấp trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật giai đoạn 2024–2030" và Nghị định 168/2024/NĐ-CP về xử phạt vi phạm giao thông.
Công tác tuyên truyền pháp luật được triển khai sâu rộng: tổ chức 25 cuộc tuyên truyền với hơn 12.000 lượt người tham dự; cấp phát hơn 37.000 tờ rơi, gần 10.000 bản tin pháp luật. Nhiều mô hình tuyên truyền sáng tạo, ứng dụng công nghệ được triển khai tại các quận, huyện.
Chi hội Viện KSND thành phố Đà Nẵng phối hợp tuyên truyền pháp luật qua 7 phiên tòa lưu động, 3 phiên tòa trực tuyến, xây dựng chuyên mục pháp luật trên trang thông tin điện tử ngành, đăng tải 22 bài viết chuyên môn, phát hành video trên kênh YouTube để lan tỏa kiến thức pháp lý.
Trong quý I/2025, các cấp Hội Luật gia đã tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý cho hàng trăm lượt người, tập trung vào các lĩnh vực như đất đai, hôn nhân, dân sự… Trung tâm Tư vấn pháp luật của Hội đã hỗ trợ miễn phí cho nhiều trường hợp thuộc diện chính sách, người nghèo, người yếu thế.
Một số mô hình tư vấn tại cơ sở hoạt động hiệu quả, như Tổ tư vấn pháp luật của Chi hội phường Phước Ninh (quận Hải Châu), làm việc định kỳ vào sáng thứ 6 hằng tuần, trực tiếp hỗ trợ người dân tại địa phương.
Hội viên Hội Luật gia đã tham gia hơn 70 vụ việc hòa giải tại cơ sở, góp phần giữ gìn an ninh trật tự tại cộng đồng. Đồng thời, Hội cũng tích cực tham gia các hoạt động phản biện xã hội, cải cách tư pháp – hành chính dưới sự lãnh đạo của Ban Nội chính Thành ủy và Mặt trận Tổ quốc thành phố Đà Nẵng.
Việc thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Trung ương về tổ chức bộ máy, đổi mới tư duy hoạt động và ứng dụng công nghệ số trong hoạt động Hội cũng được triển khai mạnh mẽ. Hội đã giới thiệu các chuyên đề liên quan đến trí tuệ nhân tạo (AI) và tham dự các đại hội Chi hội cấp cơ sở.
Phát triển hội viên và nâng cao hiệu quả hoạt động Hội
Cũng theo ông Sơn, tính đến nay, Hội Luật gia thành phố Đà Nẵng đã có 637 hội viên được cấp thẻ. Trong quý I/2025, Hội đã kết nạp và đề nghị cấp mới thẻ cho 109 hội viên mới. Các cấp hội tiếp tục duy trì nền nếp học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Tuy nhiên, Hội cũng thẳng thắn nhìn nhận những khó khăn: việc sắp xếp lại tổ chức bộ máy ảnh hưởng đến tâm tư hội viên; một số cấp Hội chưa tích cực trong vận động phát triển hội viên.

Hội Luật gia thành phố Đà Nẵng đã tổ chức Hội nghị Ban Chấp hành lần thứ ba nhằm đánh giá kết quả hoạt động quý I, triển khai nhiệm vụ trọng tâm quý II/2025.
Trong quý II/2025, Hội Luật gia thành phố Đà Nẵng xác định một số nhiệm vụ trọng tâm nhằm tiếp tục phát huy vai trò trong công tác pháp luật và xã hội. Trong đó, trọng điểm là đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật, đặc biệt tập trung vào các luật mới được ban hành như Luật Đất đai và Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở.
Hội cũng sẽ thành lập Chi hội Luật gia Bảo vệ quyền trẻ em, đồng thời phối hợp với Hội Từ thiện và Bảo vệ quyền trẻ em thành phố triển khai các hoạt động hỗ trợ trẻ em một cách thiết thực, hiệu quả.
Ngoài ra, Hội sẽ phối hợp với Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật thành phố tổ chức hội thảo chuyên đề về biến đổi khí hậu và pháp luật, góp phần nâng cao nhận thức cộng đồng về vấn đề thời sự này. Một nội dung quan trọng khác là ký kết biên bản hợp tác với Tổng Lãnh sự quán Liên bang Nga tại Đà Nẵng nhằm cung cấp dịch vụ tư vấn pháp luật và hỗ trợ pháp lý cho công dân Nga đang sinh sống và làm việc tại địa phương.
Song song đó, Hội sẽ tổ chức các hội nghị góp ý các dự thảo văn bản luật theo yêu cầu của Đoàn đại biểu Quốc hội thànhphố Đà Nẵng, cũng như triển khai các hoạt động thiết thực kỷ niệm 135 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2025).
Ứng dụng AI trong hoạt động của Hội Luật gia Việt NamTại Hội nghị Ban Chấp hành lần thứ ba của Hội Luật gia thành phố Đà Nẵng, Luật gia Võ Công Khôi, Ủy viên Ban Chấp hành Hội, đã trình bày nội dung Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá trong phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
Bên cạnh đó, ông cũng giới thiệu hai chuyên đề chuyên sâu gồmtrí tuệ nhân tạo trong kỷ nguyên công nghệ số và ứng dụng AI trong hoạt động của Hội.

Luật gia Võ Công Khôi, Ủy viên Ban Chấp hành Hội, chia sẻ tại Hội nghị Ban Chấp hành lần thứ ba của Hội Luật gia thành phố Đà Nẵng.
Theo Luật gia Võ Công Khôi, trí tuệ nhân tạo (AI) đang mở ra nhiều cơ hội ứng dụng thiết thực trong lĩnh vực pháp lý. AI có khả năng hỗ trợ nghiệp vụ như phân tích văn bản pháp luật, đọc hiểu án lệ, hợp đồng… một cách nhanh chóng, chính xác. Công cụ chatbot có thể đóng vai trò như một trợ lý pháp lý cá nhân hóa, hỗ trợ tra cứu quy định, soạn thảo các hồ sơ pháp lý sơ bộ, giúp tiết kiệm thời gian và chi phí cho cán bộ, hội viên.
Trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, AI còn có thể phân tích nhu cầu học tập, gợi ý lộ trình phù hợp cho từng cá nhân, đồng thời hỗ trợ đối thoại, giải đáp pháp luật qua tương tác ngôn ngữ tự nhiên, từ đó nâng cao hiệu quả truyền thông pháp luật.
AI còn có khả năng mô phỏng các kịch bản khi chính sách được ban hành, phát hiện khoảng trống pháp lý thông qua việc so sánh hệ thống pháp luật Việt Nam với quốc tế và đề xuất những điều chỉnh phù hợp.
Luật gia Võ Công Khôi khẳng định, việc ứng dụng AI trong hoạt động của Hội Luật gia không chỉ giúp tiết kiệm thời gian, nâng cao năng suất làm việc mà còn góp phần hiện đại hóa tổ chức, bắt nhịp với xu thế chuyển đổi số trong lĩnh vực pháp luật.