Những cách tiết kiệm khiến tôi "trầm trồ" vì sự khôn ngoan của chị em: "Cứ vậy kiểu gì cũng dư chục triệu tiêu Tết"

Admin
Không thể ăn Tết với chiếc ví rỗng, nhiều chị em đã quyết định áp dụng những cách tiết kiệm khác nhau.

Sát mùa lễ hội 2024, các khoản chi cho dịp Tết Ất Tỵ 2025 đã được tính toán chi tiết, lên danh sách cụ thể. Với những người làm công việc văn phòng với mức lương chỉ dao động từ 10 - 12 triệu đồng/tháng, ai cũng nghĩ họ sẽ phải "thắt chặt" chi tiêu mới mong có dư 10 triệu tiêu Tết trong khoảng thời gian 2 tháng. Nhưng không! Dường như nhiều chị em đã tỉnh táo và có kế hoạch thông minh hơn nhiều!

Kinh tế chưa có dự báo sáng sủa hơn, hội chị em chuẩn bị kế hoạch tiêu Tết sớm hơn

Khi được hỏi về kế hoạch chi tiêu cho dịp Tết Nguyên đán 2025, Phương Vy (28 tuổi, ở TP. HCM) cho biết bản thân cô đã sẵn sàng và đang áp dụng 1 vài cách tiết kiệm mà không ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống được khoảng nửa tháng nay.

"Không còn là nhân lực mới 'gia nhập' vào thị trường lao động, nhưng cũng chưa thể tính là đối tượng đã ổn định kinh tế, mình chỉ cảm thấy bản thân ít nhiều đã có 1 vài kinh nghiệm chuẩn bị chủ động cho dịp Tết", Vy cho biết cô không muốn để bản thân rơi vào tình thế bị động, đón Tết với chiếc ví rỗng và cái đầu đầy ắp nỗi lo trong một dịp vui như Tết.

1. Phương Vy: Ăn sáng tại nhà và luôn mang theo bữa trưa

Những cách tiết kiệm khiến tôi

(Ảnh minh họa)

Làm chuyên viên chăm sóc khách hàng tại một công ty du lịch, Phương Vy có mức thu nhập khoảng 12 triệu đồng/tháng. Với đồng lương này, thông thường chỉ ngay khi nhận lương là số tiền gần như sẽ hết sạch. Tuy nhiên, chỉ sau nửa tháng ăn sáng tại nhà và mang theo bữa trưa, Vy khoe cô đã để dành được 3 triệu đồng.

"Bình thường, vào buổi sáng mình thường sẽ ghé mua xôi, bánh bao, bánh mì hoặc tới công ty rủ đồng nghiệp đi ăn phở. Chi phí nhìn chung không cố định nhưng cũng hết khoảng 480.000 đồng - 500.000 đồng/tháng. Tới bữa trưa, mình lại thường cùng cả nhóm đặt đồ ăn về, mỗi bữa cũng hết khoảng 50.000 - 60.000 đồng, vị chi sẽ tốn thêm từ 1.200.000 - 1.440.000 đồng/tháng. Buổi chiều sẽ gọi thêm trà sữa, số tiền cũng tương đương khoản dành ra cho bữa trưa", Phương Vy bật mí, đó là còn chưa kể có những buổi phát sinh đi ăn tại nhà hàng vì một lý do đặc biệt nào đó.

Ban đầu, khi mới chuẩn bị đồ ăn trưa mang đi, Phương Vy luôn có cảm giác "thiếu thiếu" sau khi ăn xong bữa trưa. Tuy nhiên, chỉ vài 3 ngày, cô đã quen với lịch sinh hoạt mới.

"Mình chú trọng hơn vào từng món ăn mang đi. Khi ăn sẽ luôn nghĩ, những món ăn này sẽ tốt cho sức khỏe và giúp mình giảm cân nhanh hơn", Phương Vy cho biết, suy nghĩ và góc nhìn tích cực về sự thay đổi mới mẻ của bản thân đã giúp quá trình tiết kiệm của cô diễn ra nhẹ nhàng hơn. Ngoài ra cũng hào hứng chia sẻ, sau nửa tháng điều chỉnh lại chế độ sinh hoạt, cô đã nhận được tín hiệu tích cực từ cơ thể, khuôn mặt và vóc dáng.

2. Trà My: Chờ giờ vàng để săn hàng, ưu tiên đồ nội địa

Xác định bản thân là người khó tiết kiệm, Trà My (sinh năm 1999, quê ở Hòa Bình, hiện đang sinh sống và làm việc tại Hà Nội) chọn cách "săn hàng" giá rẻ.

"Cuối năm đúng là có nhiều khoản cần chi thật nhưng bù lại cũng có rất nhiều đợt sale với ưu đãi hời. Cả năm qua kinh tế khó khăn nên mình cũng không để ra được nhiều, chỉ có vài triệu nên mình tận dụng luôn mấy dịp khuyến mãi như Black Friday, 11/11, 12/12... để mua đồ", Trà My hiện tại có mức lương 10 triệu đồng từ công việc hành chính nhân sự cho một công ty truyền thông.

Với mỹ phẩm, thay vì dùng hàng ngoại đắt tiền như trước đây, cô bạn chọn mua món vừa phải và chỉ mua những gì đang thực sự cần. Với quần áo cũng vậy, cô chọn mua đồ 2hand.

"Mọi năm, mỗi lần đi mua mĩ phẩm, mình có thể mua 2 - 3 thỏi son nhưng năm nay thì không. Mình dùng 2 - 3 thỏi trong suốt cả năm, trong đó có 1 thỏi son dưỡng và 2 thỏi son màu mà mình thích. Mình cũng ưu tiên hàng nội địa hơn. Còn với quần áo thì mình cũng chuyển qua dùng đồ 2hand. Có nhiều món rất xinh, chất lượng tốt mà mức giá chỉ bằng 1/4 so với khi mua chính hãng", My cho biết cô bạn cảm thấy khá may mắn vì theo đuổi phong cách đơn giản từ lâu nên cách chọn đồ của cô không phải thay đổi quá nhiều.

3. Vân Anh: Miệt mài làm thêm "job" ngoài

Những cách tiết kiệm khiến tôi

(Ảnh minh họa)

Làm nghề viết content đã 5 năm, Vân Anh (sinh năm 1998, ở Hà Đông) cũng có cho mình 1 vài kinh nghiệm nên thay vì tiết kiệm, cô bạn tranh thủ "cày job" để tăng thêm thu nhập.

"Thu nhập hàng tháng của mình khoảng 12 triệu - 13 triệu đồng/tháng chưa trừ KPI. Nhìn chung đây cũng là mức lương khá ít ỏi. Vậy nên mình cũng cố gắng kiếm thêm việc ngoài để làm. Cuối năm, "trộm vía" mình cũng có được vài "job" mới, thu nhập tăng thêm khoảng 4 triệu đồng/tháng. Toàn bộ số tiền này mình dồn vào tài khoản riêng để chi tiêu cho dịp Tết, còn lại mọi chi phí sinh hoạt khác của mình không thay đổi", Vân Anh nói.

Làm thêm việc nghĩa là thời gian nghỉ ngơi và dành cho bản thân sẽ ít đi, nhưng nghĩ tới khoản tiền kiếm thêm, Vân Anh cho rằng nó xứng đáng. Chưa kể, thông qua những công việc này, cô bạn cũng có thêm cho mình những mối quan hệ mới, những cơ hội công việc mới.

"Tuy nhiên, mình cũng đã lên kế hoạch rất cụ thể cho những khoản chi tiêu vào dịp Tết rồi. Dự tính sẽ cần khoảng 10 triệu đồng. Nhưng vì đã bắt đầu nhận việc ngoài từ giữa tháng 10 dương lịch nên tổng cộng mình sẽ có khoảng 3,5 tháng để chuẩn bị tiền cho Tết, ước tính có dư được chừng 14 triệu đồng nếu mình làm tốt và mọi việc suôn sẻ, không có việc gì phát sinh", Vân Anh nói.