"Thị trường bất động sản hiện mắc 3 bệnh của người già: Huyết áp cao, đường huyết cao, Cholesteron cao"

Admin
Đây là nhận định của GS.Trần Ngọc Thơ trong Diễn đàn "Cơ chế đặc thù và dòng vốn cho thị trường bất động sản" do Đài Hà Nội tổ chức diễn ra vào sáng ngày 9/4/2025.
GS.Trần Ngọc Thơ: Thị trường bất động sản hiện mắc 3 bệnh của người già huyết áp cao, đường huyết cao, Cholesteron cao- Ảnh 1.

GS. TS Trần Ngọc Thơ - Đại học Kinh tế TP. HCM.

Bàn luận về cơ chế chính sách đặc thù và khơi thông dòng vốn, GS.TS Trần Ngọc Thơ - Đại học Kinh tế TP. HCM cho rằng cần phải bắt đúng bệnh. "Nghe rất đơn giản nhưng để bắt đúng bệnh không đơn giản chút nào. Theo tôi, thị trường bất động sản Việt Nam hiện nay mắc ba thứ bệnh của người già. Thứ nhất là huyết áp cao, thứ hai là đường huyết cao, thứ ba là cholesterol cao", ông Thơ nói.

Vị giáo sư diễn giải, huyết áp cao thể hiện qua giá nhà quá cao. Giá trên thu nhập mấy chục lần. Người dân phải mất hàng trăm năm mới có được nhà. Điều này nếu không xử lý thì sẽ rất nguy hiểm. Hiện nay, chúng ta đã xử lý vấn đề này bằng các nghị quyết của Quốc hội.

Đường huyết cao thể hiện qua cơ chế đặc thù và dòng vốn. Đây là hai yếu tố mà ngành bất động sản đang phụ thuộc. Nếu như phụ thuộc quá nhiều sẽ rất dễ nguy hiểm. Đặc biệt khi quá lệ thuộc vào hệ thống ngân hàng thì thị trường có nguy cơ tắc nghẽn.

Cholesteron cao thể hiện qua hàng tồn kho bất động sản hiện nay quá cao. Và tài sản, nợ xấu tích lũy trong hệ thống ngân hàng nó là mảng xơ vữa trong hệ thống ngân hàng. Nó sẽ âm thầm gây ra đột quỵ tài chính. Vấn đề ở đây là ngoài bệnh nhân tự chữa thì cần bác sĩ tài khoá, tiền tệ phải dám bước ra vùng an toàn của mình. Cuối năm chúng ta sửa Luật Chứng khoán thì lại có nhiều rào cản cho doanh nghiệp.

Có hai loại cholesterol tốt và xấu. Tốt là phải tập trung đưa nhà ở xã hội nhà ở thương mại giải quyết vấn đề cholesterol tích lũy lâu ngày không tốt cho nền kinh tế.

Cùng bàn thêm về thẩm quyền của các địa phương trong việc giải quyết vướng mắc tồn đọng trong các dự án bất động sản, ông Đào Trung Chính, Cục trưởng Cục Quản lý đất đai, Bộ Nông nghiệp và Môi trường nói rằng, với hướng đi giải quyết, xử lý vướng mắc các dự án bất động sản như Hà Nội đang làm, thì Hà Nội dựa trên cơ sở đó tiếp tục thực hiện. Nhất là đang có Luật Thủ đô với những cơ chế đặc thù. Cái đó thì sẽ tự chủ động. Còn ví dụ như tại các địa phương khác, khi các dự án có kết luật thanh tra, địa phương cũng có thể chủ động làm tiếp.

Còn quan điểm của ông Nguyễn Đức Kiên, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc Hội - Nguyên Tổ trưởng Tổ tư vấn Chính phủ, đối với các kết luận thanh tra với Hà Nội thì không nói là sai phạm mà nói là rà soát thì Hà Nội căn cứ vào Luật Thủ đô để giải quyết. Còn ví dụ như Đà Nẵng, vướng mắc lớn nhất là liên quan đến sân vận động Chi Lăng, với việc vướng mắc quy hoạch chi tiết. Thì với những vướng mắc đó, sẽ liên quan đến thẩm quyền cấp tỉnh chứ không phải là Quốc hội.