Mới đây, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM (Ban Giao thông) đề nghị Sở Giao thông Công chánh tham mưu UBND Thành phố ghi vốn chuẩn bị đầu tư dự án đường mở mới phía Tây Bắc (từ đường Vành đai 2 đến ranh tỉnh Long An). Việc bố trí vốn nhằm thực hiện ngay dự án từ đầu kỳ trung hạn giai đoạn 2026 – 2030.
Theo phương án sơ bộ được Sở Giao thông Công chánh nghiên cứu, dự án đường mở mới Tây Bắc nối từ đường Vành đai 2 TP.HCM qua khu công nghiệp Vĩnh Lộc (huyện Bình Chánh) đến đường tỉnh 823D của Long An. Dự án có chiều dài 9,9 km, quy mô 6 - 8 làn xe.
Khi hoàn thành, đây sẽ là trục đường xuyên tâm quan trọng kết nối đường Vành đai 2 Tp.HCM với đường Vành đai 3, Vành đai 4 Tp.HCM, góp phần giảm ùn tắc giao thông, đồng thời thúc đẩy phát triển các khu công nghiệp. Việc kết nối này cũng khiến khoảng cách di chuyển từ Long An về Tp.HCM rút ngắn, người dân "rộng lối" vào trung tâm Tp.HCM.
Dự án có tổng vốn đầu tư khoảng 5.200 tỉ đồng, trong đó chi phí giải phóng mặt bằng khoảng 3.900 tỉ đồng. Tp.HCM dự kiến triển khai dự án theo hình thức đối tác công - tư (PPP).

Nhiều tuyến hạ tầng trọng điểm đang được đầu tư tại Long An.
Thời gian qua, Tp.HCM liên tục đề xuất và triển khai các tuyến đường trọng điểm kết nối trực tiếp giữa Tp.HCM và Long An.
Gần đây, lãnh đạo UBND tỉnh Long An có buổi làm việc với ban ngành, địa phương về tiến độ triển khai dự án ĐT 827E kết nối Tp.HCM với Long An và Tiền Giang. Theo kế hoạch, tuyến đường này sẽ khởi công vào cuối tháng 8/2025.
Dự án ĐT827E đoạn từ ranh Tp.HCM - Long An đến sông Vàm Cỏ Đông có tổng chiều dài tuyến 35,6km. Điểm đầu tại ranh giới tỉnh Long An – Tp.HCM, thuộc xã Long Hậu, huyện Cần Giuộc; điểm cuối tại ranh giới tỉnh Long An – Tiền Giang, thuộc xã Hiệp Thạnh, huyện Châu Thành.
Tương tự, Tp.HCM phê duyệt chủ trương đầu tư dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1 (từ đường Kinh Dương Vương qua quận Bình Tân, huyện Bình Chánh đến ranh tỉnh Long An). Dự án có chiều dài tuyến 9,62 km, quy mô từ 10 - 12 làn xe, tổng mức đầu tư khoảng 16.285 tỉ đồng; dự kiến được thực hiện giai đoạn 2025 – 2028.
Dự án sẽ giải quyết tình trạng kẹt xe, cải thiện kết nối giữa Tp.HCM với Long An và các tỉnh miền Tây. Đây cũng là đoạn liên kết nhiều trục đường lớn như đại lộ Võ Văn Kiệt, Nguyễn Văn Linh, cao tốc Tp.HCM - Trung Lương, dẫn vào bến xe Miền Tây.
Cùng với đó, Dự án có chiều dài khoảng 8,6 km, quy mô 10 làn xe với tổng kinh phí khoảng 9.894 tỉ đồng
Một dự án hạ tầng khác được người dân quan tâm là đầu tư mở rộng đường Võ Văn Kiệt nối dài nhằm tăng kết nối giữa Tp.HCM với tỉnh Long An. Tổng mức đầu tư của dự án gần 5.800 tỉ đồng, trong đó chi phí giải phóng mặt bằng khoảng 3.145 tỉ đồng. Sở Giao thông công chánh Tp.HCM cho biết đang chuẩn bị báo cáo nghiên cứu tiền khả thi để trình cấp thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư, dự kiến triển khai trước năm 2030.

Hay, dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 50 tăng cường kết nối khu vực cửa ngõ phía nam Tp.HCM với tuyến cao tốc Bến Lức - Long Thành, tuyến Vành đai 3 Tp.HCM, được kỳ vọng sẽ sớm giải quyết ùn tắc giao thông, giúp việc đi lại của người dân thuận lợi hơn. Khoảng cách "đôi bờ" Tp.HCM và Long An cũng như các tỉnh miền Tây được rút ngắn, ảnh hưởng tích cực đến nhiều mặt đời sống của người dân.
Dự án có điểm đầu giao với đường Nguyễn Văn Linh, điểm cuối giáp ranh tỉnh Long An với tổng chiều dài 6,92km, rộng 6 làn xe có tổng mức vốn đầu tư gần 1.500 tỉ đồng. Trong đó có 4,36km xây đường mới song song với Quốc lộ 50 và 2,56km mở rộng Quốc lộ 50 hiện hữu. Sau hơn 2 năm khởi công, dự án này cơ bản thành hình và dự kiến hoàn thành trong năm 2025.
Song song đó, dự án Vành đai 3 TP.HCM có chiều dài 6,8 km qua địa bàn tỉnh Long An, với tổng mức đầu tư 4.208 tỷ đồng. Đến nay, dự án đã đạt hơn 51% tiến độ xây dựng và dự kiến thông xe kỹ thuật vào ngày 31/12/2025. Các dự án trên khi hoàn thành sẽ góp phần quan trọng trong việc cải thiện hạ tầng giao thông, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và tăng cường liên kết vùng giữa Tp.HCM và Long An.
Ngoài ra, nhiều trục giao thông mang tính liên kết vùng của tỉnh Long An đã được hình thành như tuyến ĐT 830, đường Vành đai TP.Tân An, cầu bắc qua sông Vàm Cỏ Tây; Cảng quốc tế Long An và trục hạ tầng giao thông – đô thị kết nối với Tp.HCM. Cùng với đó, các tuyến đường quan trọng như ĐT 825, ĐT 823, ĐT 826B… đang được Long An xây dựng hoàn thiện, tạo nên một hệ thống giao thông tương đối hoàn chỉnh. Đây là yếu tố quan trọng để phát triển kinh tế – xã hội, giúp Long An trở thành điểm sáng trong thu hút đầu tư những năm vừa qua.
Có thể thấy, nhờ lợi thế giao thông "đi dễ về gần" mà mức độ quan tâm bất động sản Long An gần đây ghi nhận đáng kể. Một số khu vực như Bến Lức, Đức Hòa và Cần Giuộc vẫn là các địa phương giữ vị thế trong nhu cầu tìm bất động sản tốt nhất của Long An.
Ghi nhận cho thấy, một số dự án khu đô thị hiện hữu tại Bến Lức (Long An) liên tục nhận tín hiệu tốt về sức cầu nhờ lợi thế về giá bán còn hợp lý và hạ tầng kết nối được đầu tư mạnh mẽ. Đơn cử, dự án KĐT Waterpoint 355ha của Nam Long và đối tác Nhật gần đây ghi nhận nhu cầu tích cực. Lượng nhà đầu tư từ Tp.HCM, phía Bắc hay khu lân cận quan tâm tìm hiểu dự án khá tốt. Dòng sản phẩm biệt thự, dinh thự giới hạn The Aqua, Park Village trong KĐT dù chỉ mới ra thị trường nhưng đạt tỉ lệ hấp thụ tốt.
Ngoài lợi thế về mặt bằng giá thấp so với dòng sản phẩm cùng phân khúc tại Tp.HCM, thì việc kết nối trực tiếp các hạ tầng đang đầu tư tại khu vực tạo nên giá trị cho sản phẩm. Khu đô thị Waterpoint có kết nối trực tiếp cao tốc TP.HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận, ngay nút giao với Vành đai 4, liền kề điểm giao cao tốc Bến Lức - Long Thành và Vành đai 3 Tp.HCM, được hưởng lợi trực tiếp từ "bệ phóng" hạ tầng khu vực. Chưa kể, KĐT này đã hiện hữu tiện ích, môi trường cảnh quan sinh thái và hạ tầng đồng bộ.
Có thể thấy, hạ tầng giao thông chính là lực đẩy cho sự hình thành và phát triển các khu đô thị vệ tinh, đồng thời mở rộng địa bàn hoạt động cho các nhà phát triển bất động sản. Các sản phẩm nhà ở tại Long An ngày càng phong phú, giá trị tăng cao nhờ tính kết nối liên vùng.